Bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được Quốc Hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014, chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Vấn đề chi trả và thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội cho người lao động được người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp, dành nhiều sự quan tâm. Thực hiện tốt công tác này vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa giúp cho người lao động yên tâm công tác và cống hiến khi quyền lợi của họ được đảm bảo theo pháp luật. Chúng tôi xin tổng hợp một số quy định pháp luật về trách nhiệm thực hiện bảo hiểm xã hội liên quan đến hoạt động của người sử dụng lao động nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo quy định tại Điều 2 thì các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cụ thể như sau:
Người lao động:
-
Là công dân Việt Nam:
-
Làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định;
-
Làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
-
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
-
Người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương.
-
Là công dân nước ngoài:
-
Làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Người sử dụng lao động:
-
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;
-
Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc và Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
-
Chế độ ốm đau;
-
Chế độ thai sản;
-
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
-
Chế độ hưu trí;
-
Chế độ tử tuất.
Căn cứ để theo dõi việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội là sổ bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
-
Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
-
Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị hỏng hoặc mất, hồ sơ xin cấp lại bao gồm:
-
Đơn đề nghị cấp lại của người lao động;
-
Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.
Trường hợp điều chỉnh thông tin tha gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ bao gồm:
-
Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;
-
Sổ bảo hiểm xã hội;
-
Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân.
Nơi nộp hồ sơ:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Với trường hợp xin cấp lại thì người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thời hạn giải quyết:
Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội:
-
Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp lần đầu;
-
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp lại; nếu quá trình xác minh phức tạp thì không quá 45 ngày;
-
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ điều chỉnh thông tin.
Nếu cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thì sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.