Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất năm 2019
(Thuế TNCN từ tiền lương - tiền công)
1. Căn cứ pháp lý để tính thuế TNCN:
+ Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN.
+ Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế TNCN và sửa đổi bổ sung thông tư 111.
2. Thời điểm tính thuế TNCN:
- Là thời điểm chi trả thu nhập.
Ví dụ:
+ Tiền lương của tháng 12/2018 trả vào tháng 1 năm 2019 thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 1 năm 2019.
+ Tiền thưởng tết âm lịch năm 2019, trả vào tháng 2/2019 thì cộng vào thu nhập tính thuế TNCN của tháng 2/2019
- Thuế TNCN là loại thuế:
+ Tính theo tháng (đối với các lao động hưởng lương tháng) hoặc theo thời điểm chi trả thu nhập (đối với các lao động thời vụ, khoán việc).
+ Khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập.
+ Kê khai: có theo tháng hoặc theo quý (tùy từng điều kiện của DN)
+ Quyết toán thuế TNCN: theo năm
2. Phương pháp tính thuế TNCN:
Có 3 cách tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công dành cho 3 đối tượng khác nhau:
* Đối với cá nhân cư trú (thường là người Việt Nam)
- Đối tượng 1: Ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì tính thuế TNCN theo biểu lũy tiền từng phần (Từng phần thu nhập sẽ có các mức thuế khác nhau, thu nhập càng cao mức thuế suất tính thuế cũng cao theo)
- Đối tượng 2: Ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng: bị tính 10% trên tổng thu nhập
* Đối với cá nhân không cư trú (thường là người nước ngoài)
- Đối tượng 3: Cá nhân không cứ trú: được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.
=> Để xác định được cách tính thuế TNCN cho từng người lao động trong doanh nghiệp các bạn xác định họ là cá nhân cư trú hay không cư trú trước, sau đó nếu là cá nhân cư trú thì xét thêm thời hạn của hợp đồng là từ 3 tháng trở lên hay dưới 3 tháng (không quan tâm đến tên gọi của hợp đồng lao động).
Hướng dẫn cách cách tính thuế TNCN năm 2019 cụ thể:
I. Đối với cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:
Thực hiện tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần
+ Kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
+ Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần. (Theo điểm b, khoản 1 điều 25 của TT 111/2013/TT-BTC).
Công thức tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế X Thuế suất.
Trong đó:
a, Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
Mà:
- Thu nhập chịu thuế: là Tổng thu nhập cá nhân nhận được từ tổ chức chi trả không bao gồm các khoản sau:
+ Tiền ăn giữa ca, ăn trưa:
* Nếu doanh nghiệp không tự tổ chức nấu ăn - mà chi tiền cho người lao động (phụ cấp vào lương) thì được miễn tối đa 730.000 đồng/người/tháng (Theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
=> Nếu mức chi cao hơn quy định trên thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Ví dụ 1: Tháng 1/2019 Anh Mạnh được công ty phụ cấp tiền ăn trưa là 750.000/tháng. Thì Anh Mạnh được miễn 730.000.
Còn phần vượt 750.000 - 730.000 = 20.000 tính vào thu nhập chịu thuế.
Ví dụ 2: Chị Lan được công ty phụ cấp tiền ăn trưa là 500.000/tháng. Thì chỉ được miễn 500.000 (Miễn theo thực tế chi).
* Nếu doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn, mua phiếu ăn, xuất ăn cho nhân viên thì được Miễn toàn bộ.
+ Tiền phụ cấp điện thoại: Được miễn theo mức quy định của công ty.
Theo các công văn của Tổng cục Thuế: Công văn số 5023/TCT-TNCN ngày 30/10/2017, Công Văn Số: 5274/TCT-TNCN Ngày 09/12/2015, Công văn 1166/TCT-TNCN ngày 21/3/2016 của Tổng cục Thuế:
Trường hợp khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính, Quy chế thưởng ... được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.
Trường hợp đơn vị chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Ví dụ: Công Ty quy định phụ cấp tiền điện thoại là 300.000/tháng.
Nhân viên A ký hợp đồng lao động 6 tháng (Từ T1/2019 đến hết T6/2019), trên hợp đồng thỏa thuận: tiền phụ cấp điện thoại là 300.000/tháng.
* Tháng 1/2019: Nhân viên A được trả tiền phụ cấp điện thoại là: 300.000
=> Số tiền được miễn thuế TNCN: 300.000
* Tháng 2/2019: Nhân viên C được trả tiền phụ cấp điện thoại là: 400.000
=> Số tiền được miễn thuế TNCN: 300.000.
=> Số tiền nhận được cao hơn quy định bị tính thuế TNCN: 100.000
+ Phụ cấp trang phục:
* Bằng hiện vật (DN mua trang phục về phát cho nhân viên): Miễn toàn bộ.
* Bằng tiền: tối đa 5 triệu đồng/người/năm.
* Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật thì mức miễn tối đa đối với phần bằng tiền không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật Miễn toàn bộ.
Ví dụ: Nhân viên A được phụ cấp trang phục năm 2019 như sau:
Tiền mặt: 2 triệu và Hiện vật: 6 triệu => Số tiền được miễn thuế TNCN:
2 (vì chưa quá 5 triệu) + 6 (vì nhận được bằng hiện vật nên được miễn hết) = 8 triệu
Ví dụ 6: Nhân viên B được phụ cấp trang phục năm 2019 như sau:
Tiền mặt: 6 triệu và Hiện vật: 2 triệu
=> Số tiền được miễn thuế TNCN: 5 triệu (tiền mặt) và 2 triệu (hiện vật) = 7 triệu.
=> Số tền bị tính thuế TNCN: 1 triệu (tiền mặt do vượt quá mức 5 triệu)
+ Tiền công tác phí:
* Trường hợp 1: Công tác phí theo chứng từ thực tế phát sinh:
Tiền công tác phí theo thực tế phát sinh như tiền vé máy bay, tiền lưu trú, tiền taxi và tiền ăn, phòng nghỉ khách sạn, tiếp khách... Nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ thì khi nhận các khoản tiền công tác phí này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
(Theo Công văn 1166/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế)
* Trường hợp 2: Công tác phí khoán:
+ Được miễn theo mức doanh nghiệp đã quy định tại quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ.
+ Trường hợp đơn vị chi tiền công tác phí, tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
(Theo Công văn số 5023/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế)
Ví dụ: Công Ty quy định mức khoản chi công tác phí trong quy chế chi tiêu nội là 300.000/ngày
+ Ngày 02/01/2019: Nhân viên A đi công tác và được nhận 300.000
=> Khoản tiền được miễn thuế TNCN của nhân viên A là: 300.000
+ Ngày 03/02/2019: Nhân viên B đi công tác, được nhận 400.000
=> Nhân viên B được miễn: 300.000. Bị tính vào thu nhập chịu thuế: 100.000 (phần vượt cao hơn so sới quy định của công ty)
+ Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ.
Ví dụ: ban ngày được trả 6 nghìn/h, làm thêm ban đêm được trả 10 nghìn/h thì số tiền làm thêm ban đêm nhận được có 6 nghìn phải chịu thuế, 4 nghìn vượt trội không chịu thuế.
+ Riêng khoản phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại: Không được miễn thuế TNCN
Ngày 25/5/2017, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2192/TCT-TNCN về khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên
Theo đó:
+ Nếu phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại thuộc về công tác phí thì được Miễn thuế TNCN
+ Còn nếu khoản tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp đi lại được hưởng cố định hàng tháng trên bảng lương thì khi nhận khoản tiền này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN (tức là không được miễn thuế)
- Các khoản giảm trừ bao gồm:
+ Giảm trừ gia cảnh: bản thân 9.000.000 và người phụ thuộc là 3.600.000/ người (tính trên 1 tháng)
+ Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biêt.
+ Các khoản đóng góp từ thiện , nhân đạo, khuyến học.
b, Thuế suất:
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần:
(Bảng thuế suất lũy tiến theo Phụ lục: 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC)